Khi đặt phím viết những dòng này, mình vừa trải qua 2 tuần làm việc khá căng.
Mình đang dần đạt đến một hiệu suất công việc cao nhất từ trước tới giờ. Tính sơ ra thì trong 2 tháng vừa rồi, mình đã làm được những việc này:
Mình đăng tải được 8 video trên Youtube (tần suất 1 video/tuần).
Tuyển được một bạn editor về team.
Tất tần tật hoạt động ra mắt cuốn sách “tìm mình trong thành phố nội tâm”.
Cùng team ra mắt newsletter “The Next Creator” dành cho những người sáng tạo nội dung.
Ra mắt newsletter “The Glow” mà bạn đang đọc.
Tham gia khóa học cùng dự án Visible You trong vai trò giảng viên.
Theo học khóa kinh doanh độc lập tại Business of You Academy.
Chuẩn bị cho một khóa viết nho nhỏ mà mình sẽ ra mắt trong tháng tới.
Làm tất cả những việc này có mệt không? Mệt, nhưng mà vui lắm. Vì chẳng có ai bắt mình làm cả. Toàn là những thứ mình thích làm, muốn làm, và chủ động làm mà thôi.
Tuy nhiên thì, bài viết này không phải chỉ để… nói về những gì mình làm được. Từ hành trình làm việc với cường độ cao trong suốt mấy tháng qua, mình đúc kết được vài bài học quan trọng về việc làm sao để tối đa hóa hiệu suất của mình mà không bị burn-out.
Và, bật mí cho bạn điều này, nó không liên quan đến các app quản lý thời gian, hay việc phải… thức khuya dậy sớm. Cùng bắt đầu nhé:
01. Có mục tiêu rõ ràng
Mục tiêu rõ ràng là một điều kiện quan trọng nhất, là thứ động lực thúc đẩy bạn không ngừng hướng về phía trước. Mình từng chia sẻ về “mục tiêu” trong một nội dung Youtube trước đây, bạn thử tham khảo xem nhé. Đối với mình, một mục tiêu cần phải:
Đủ “phi thường” để khiến mình háo hức
Đủ “bình thường” để mình thấy nó khả thi
Trong năm 2023 này, mình cảm thấy có động lực hơn hẳn mấy năm trước đây, phần lớn vì những mục tiêu mà mình đã đặt ra cho bản thân. Như mình có chia sẻ, mục tiêu không phải chỉ là một dấu mốc “có vẻ hợp lý”, nhưng “không làm được cũng chẳng sao”. Nó phải được bắt nguồn từ chính con người mình, từ giá trị sống của mình, và định hướng cuộc đời mình trong tương lai.
Chỉ nhờ thế, mà bạn mới có được một sự gắn kết về cảm xúc thật mãnh liệt với nó. Nghĩ tới mục tiêu đó thôi là bạn đã rạo rực muốn bắt tay vào làm ngay rồi! Hãy xác định cho mình một mục tiêu như vậy.
02. Sự tập trung
Mình nhận thấy, phần lớn lý do khiến chúng ta kém hiệu quả trong học tập hay công việc, không phải là vì chúng ta không có đủ thời gian, mà vì chúng ta chưa tận dụng được tối đa quãng thời gian mình có.
Không phải cứ dành ra nhiều giờ “làm việc” đã tốt, nếu như trong quãng thời gian đó bạn liên tục bị xao nhãng, làm đa nhiệm (đang thứ này lại nhảy sang thứ kia). Sự tập trung tuyệt đối vào từng tác vụ một giúp cho 4 tiếng làm việc sâu có hiệu quả hơn rất nhiều so với 8 tiếng làm việc hời hợt.
Dạo gần đây, mình còn thử nghiệm với việc cất điện thoại đi một chỗ thật xa ngoài tầm mắt, để tránh bị xao nhãng. Nhờ thế mà có những hôm mình làm việc tập trung đến độ quên luôn cả sự tồn tại của chiếc smartphone.
Cái giá mình phải trả là: phản hồi tin nhắn chậm, và đôi khi bị miss cuộc gọi của… shipper. Nhưng đó là cái giá quá rẻ.
Một vài gợi ý để bạn tập trung hơn:
Sắp xếp gọn gàng không gian xung quanh bạn.
Thực hành thiền chánh niệm như một thói quen.
Tắt điện thoại và cất nó ở thật xa.
Đảm bảo không gian xung quanh thật yên tĩnh.
Lên kế hoạch cụ thể: “mình sẽ làm việc sâu trong khoảng từ x đến y giờ”.
03. Kỷ luật bản thân
“Kỷ luật bản thân” là một khái niệm mình đã từng nhắc đến không ít lần trong các bài viết, cũng như trong các video.
Để dễ hình dung, mình xem đó như là việc hành động nhất quán với những kế hoạch đã đề ra. Nghĩa là khi bạn quyết định rằng ngày hôm nay mình sẽ dành ra 60 phút cho việc x nào đó, thì bạn sẽ thật sự làm được như vậy. Nghe thì rất đơn giản, nhưng đó là thứ mà mình nghĩ phần lớn chúng ta đều cần phải rèn luyện.
Giá trị của kỷ luật bản thân, không phải chỉ là giúp bạn trở nên hiệu quả trong mọi việc, mà còn khiến bạn cảm thấy tự hào và tôn trọng bản thân nhiều hơn. Vì bạn đã giữ lời với chính mình, đã vượt qua sự trì hoãn và hành động đúng với những gì bản thân cho là cần thiết.
Gửi tặng bạn câu trích dẫn này của Aristotle mà mình rất thích:
“We are what we repeatedly do. Excellence then is not an act, but a habit.”
04. To-do list
To-do list là một giải pháp quản lý công việc cực kì quen thuộc, dễ dàng, và… rất thường xuyên bị đánh giá thấp.
Ngày nay, chúng ta có rất nhiều phương pháp sắp xếp công việc mới, các ứng dụng hiện đại… nhưng một chiếc to-do list truyền thống vẫn là một công cụ rất đáng tin cậy đối với mình.
Khi phải vận hành song song nhiều hoạt động, nhiều dự án cùng lúc, mình sẽ rất dễ bị “ngợp” với số lượng những việc cần làm. Nhưng khi mình liệt kê nó ra thành một danh sách, vấn đề khi ấy trở nên rõ ràng hơn.
Mình sẽ thường làm to-do list theo tuần, với những việc tối thiểu cần phải làm trong tuần đó. Làm xong được một việc, mình sẽ note lại ngay, và nhận được một chút cảm hứng để giải quyết đầu việc kế tiếp.
Chẳng hạn như bây giờ: “Viết bài cho newsletter “The Glow” tuần này” -> done.
05. Yêu những việc mình làm
Cuối cùng, có lẽ mình sẽ không thể làm từng ấy việc nếu như không cảm thấy thật sự yêu thích nó đến vậy.
Vì yêu mà mình mới không ngại đầu tư thời gian và tâm huyết dành cho nó. Mình thậm chí còn cảm thấy bản thân quá may mắn, vì nhờ chọn làm công việc này mà ngày nào mình cũng được đọc những lời bình luận cực kì dễ thương, những lời cảm ơn, những dòng tâm sự, những chia sẻ chân thành về việc nội dung mình làm đã có ý nghĩa thế nào…
Giống như khi yêu một người, bạn sẽ không quản ngại khó khăn để cố gắng vì họ, chẳng ngại đường xá xa xôi mà đi về phía họ. Thì với công việc cũng vậy. Nếu như không quan tâm đến nó, không yêu thương nó, thì làm sao chúng ta có thể làm được tốt nhất?
Tất nhiên, có được một công việc “đáng yêu” quả thật không dễ. Nhưng nó xứng đáng để tìm kiếm, để theo đuổi, hoặc thậm chí để tự tay tạo dựng. Vì công việc là một phần không nhỏ trong cuộc sống. Nếu như chán ghét công việc, phải chăng bạn đang chán ghét ⅓ cuộc đời mình?
Để kiểm nghiệm xem mức độ yêu thích công việc mình cần làm, bạn có thể sử dụng một vài tiêu chí sau:
Khi nghĩ đến việc phải làm, bạn thấy hứng thú hay thấy chán nản?
Bạn nghĩ sao nếu mình phải làm công việc đó liên tục trong 1,000 ngày?
Bạn có thấy tự hào với những kết quả trong công việc của mình không?
Bạn đã thật sự tâm huyết với công việc đó chưa?
Bạn có cảm thấy mình được phát huy hết tiềm năng với công việc đó chưa?
Bạn có khao khát muốn được làm thứ gì khác không?
Lời cuối
Cuộc sống đương nhiên không phải chỉ có công việc. Nhưng công việc mà suôn sẻ, hiệu quả, thì nó cũng sẽ tạo thành một nền móng quan trọng cho sự phát triển của những khía cạnh khác.
Như mình, khi công việc tiến triển thuận lợi thì mình cũng có được thu nhập tốt hơn, có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng, và một cảm giác “lâng lâng” đầy tự hào về những gì mình đã làm được. Như tuần vừa rồi, kênh Youtube của mình vừa chạm mốc 70,000 subscribers, khiến mình khá vui vì năm 2023 chưa qua được một nửa, nhưng mình đã đạt được 70% cho mục tiêu đạt nút bạc trong năm nay.
Mình biết sự nghiệp mình đang theo đuổi không phải là lựa chọn của số đông, nên mình không chắc những chia sẻ này hữu ích với bạn đọc tới đâu. Nhưng mình rất hy vọng, rằng những đúc kết trên đây cũng đã giúp được bạn ít nhiều.
Mến chúc bạn đạt được hiệu suất cao trong những gì bạn làm. Và hẹn gặp bạn trong những bài viết sau nhé!
Hà Minh
Mong lúc nào đó em sẽ tuyển được bạn editor về làm cho mình huhu :(((
Cảm ơn Hà Minh đã truyền động lực và cảm hứng đến với mình. Mình cũng tầm tuổi bạn và bây giờ mới bắt đầu tìm hiểu về nghề "viết" này, mình đang chập chững những bước đi đầu và nhờ có những bài này mà mình dần tìm ra được thêm định hướng trong công việc mình. Cảm ơn bạn!