Vài câu hỏi để bạn đặt mục tiêu cho năm mới
Mình nghĩ, chúng ta đều đã quen với việc đặt mục tiêu mỗi dịp đầu năm. Nhưng trên thực tế thì... chẳng mấy khi đạt được. Thế rồi chúng ta cứ bị cuốn vào vòng lặp "đặt mục tiêu" vô nghĩa ấy hết năm này qua năm khác mà không có kết quả.
Để vượt qua vấn đề này, có một vài câu hỏi về việc đặt mục tiêu mà mình nghĩ chúng ta nên tự làm rõ:
01. Mục tiêu đó có thật sự quan trọng với mình không?
Phần lớn thời gian, chúng ta chọn những mục tiêu sai lầm và không phù hợp với mình. Chúng ta đặt ra những mục tiêu đó vì… thấy người khác cũng làm thế, hoặc tưởng rằng mình cần, mà không phải điều mình thật sự cần.
Nếu như mục tiêu của bạn không xuất phát từ chính mong muốn của bạn, từ khát khao của bạn về một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì bạn sẽ khó có thể cam kết với nó về lâu dài.
Mục tiêu của bạn cần phải phản ánh giá trị con người bạn, cần phải gợi ra cho bạn những cảm xúc mãnh liệt, cần phải dai dẳng trong tâm trí bạn và khiến bạn nghĩ đến nó thường xuyên.
02. Mục tiêu đó có quá dễ, hoặc quá khó đối với mình không?
Một mục tiêu quá dễ sẽ khiến bạn nhàm chán. Một mục tiêu quá khó sẽ khiến bạn chán nản.
Một mục tiêu lý tưởng, đối với mình, sẽ là một mục tiêu mà mình có khả năng đạt được, nhưng đồng thời sẽ phải thách thức mình vượt qua những giới hạn của bản thân. Khi độ khó của mục tiêu được đặt ra ở khoảng này (mà các nhà tâm lý gọi là “goldilocks zone”), khi đó nó sẽ thôi thúc bạn nỗ lực, gợi ra bên trong bạn một cảm giác muốn chinh phục.
Mình thường hay nói: hãy đặt ra những mục tiêu cần bạn phải dùng đến 105% năng lực của mình.
Ưu đãi 30% cho khóa học Know Thyself: Viết Để Thấu Hiểu Bản Thân
Kể từ 24/12/2023 cho đến hết ngày 01/01/2024, bạn có thể đăng ký tham gia khóa học với mức giá ưu đãi là 699,000vnd (giảm 30% so với giá trị ban đầu). Nếu như bạn quan tâm và muốn đăng ký học, đừng bỏ lỡ cơ hội này nhé!
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại đây:
03. Mục tiêu đó có nằm trong tầm kiểm soát của mình không?
Khi đặt ra mục tiêu, hãy lưu ý xem mục tiêu đó là hoàn toàn do bạn quyết định, hay sẽ bị tác động bởi những yếu tố bạn không thể kiểm soát?
Hãy áp dụng nguyên lý “the dichotomy of control” trong triết học Khắc Kỷ vào trường hợp này, và tập trung nhiều hơn vào những gì nằm trong quyền lựa chọn của mình.
Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp, kết quả đầu ra là thứ chúng ta không thể kiểm soát (được thăng chức, tăng lương…), nhưng chúng ta có thể kiểm soát hành động của mình (mức độ cam kết và tập trung trong công việc…).
04. Mục tiêu đó cần phải đạt được khi nào?
Nếu như không được ấn định một khung thời gian cụ thể, mục tiêu của bạn sẽ chỉ là một ước mơ, hay một viễn cảnh xa vời.
Hãy tự đặt ra cho mình một chiếc deadline, rằng khi nào thì bạn muốn mình sẽ đạt được mục tiêu đó. Việc này sẽ tạo ra cho bạn một sự cam kết lớn hơn, một cảm giác gấp rút lành mạnh, và có sự chủ động trong việc lên kế hoạch và tổ chức triển khai những việc cần làm.
05. Mình sẽ cần phải làm cụ thể những gì để đạt được mục tiêu đó?
Cuối cùng, điều quan trọng nhất giúp bạn thực hiện được mục tiêu của mình, đó là hành động. Đặt ra mục tiêu là hết sức cần thiết, nhưng chỉ mục tiêu thôi là chưa đủ.
Bạn sẽ cần phải làm rõ xem mục tiêu của mình có thể đạt được bằng cách nào. Hãy cụ thể hoá nó thành những hành động, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Càng rõ ràng, thực tế, khả năng chúng được thực hiện sẽ càng cao hơn.
06. Nếu như chỉ được chọn duy nhất một mục tiêu, đó sẽ là gì?
Đừng quá tham vọng và ham muốn quá nhiều thứ. Có câu nói: "nếu như bạn săn cùng lúc 2 con thỏ, cuối cùng bạn sẽ không săn được con nào cả”. Đặt ra nhiều mục tiêu, sẽ khiến bạn bị sao nhãng, và phân tán nguồn lực của mình một cách kém hiệu quả.
Ở mỗi giai đoạn, tốt hơn hết, chúng ta chỉ nên tập trung vào một và chỉ một mục tiêu duy nhất mà thôi. Một khi bạn đã hành động, và có những tiến triển tích cực trên hành trình hướng tới mục tiêu đó, bạn có thể mở rộng ra thêm những mục tiêu khác. Nhưng ở lúc bắt đầu, việc đặt ra quá nhiều mục tiêu là cách dễ nhất để thất bại.
07. Nếu như đạt được mục tiêu, cuộc sống của bạn sẽ khác đi thế nào?
Câu hỏi này, tuy có mối liên hệ tới câu hỏi đầu tiên, nhưng mình nghĩ sẽ mở ra cho bạn những tư duy rất khác. Hãy thử hình dung về cuộc sống của bạn khi đã đạt được mục tiêu của mình: lúc đó cuộc sống của bạn sẽ thế nào? Sẽ tốt hơn, hạnh phúc hơn, thành công hơn ra sao? Đó có phải là những điều bạn thật sự muốn tạo ra cho mình hay không?
Việc hình dung về một viễn cảnh tương lai nơi mục tiêu của bạn được thực hiện, tuy không tạo ra cho bạn một bước tiến nào thực tế… nhưng nó sẽ giúp bạn có một lý do mạnh mẽ để hành động. Bên cạnh đó, viễn cảnh tương lai đó cũng sẽ tiếp thêm cho bạn sức mạnh để vượt qua những lúc khó khăn, những ngày dài nản chí, và nhắc nhở bạn về lý do bạn bắt đầu.
Nếu như bạn có một mối liên hệ về cảm xúc sâu sắc với mục tiêu của mình, thì mình tin, khi đó không gì có thể cản được bạn.
Final thoughts
Mình nghĩ, việc đặt ra mục tiêu là một kỹ năng quan trọng. Và cũng giống như nhiều kỹ năng khác, nó cần phải được rèn luyện và phát triển.
Chúng ta tất yếu sẽ có những mục tiêu không đạt được, những mục tiêu đặt ra xong rồi quên luôn… Nhưng sau cùng, điều quan trọng là chúng ta sẽ phải học cách để rút ra kinh nghiệm cho những mục tiêu tiếp theo.
Nếu như năm 2023, bạn không đạt được những mục tiêu của mình... hãy nhìn lại những mục tiêu cũ đó xem chúng chưa ổn ở đâu, và bạn có thể cải thiện như thế nào cho năm 2024 sắp tới.
Câu chuyện không phải chỉ là có hay không có mục tiêu, mà là làm sao để đặt ra cho mình những mục tiêu ngày càng chất lượng hơn: một điểm đến mang tính định hướng cho sự phát triển của mình.
Cuối cùng, mến chúc bạn đạt được những mục tiêu của mình, và có một năm mới thật sự rực rỡ.